Chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng là lệ phí đương sự có yêu cầu thông báo chịu
Sau khi nghiên cứu bài viết “Vướng mắc trong việc cấp, tống đạt văn bản tố tụng của Toà án” của tác giả Nguyễn Thị Chi đăng ngày 14/6/2024[1], người viết đồng thuận với quan điểm của tác giả và có một số ý kiến bổ sung.
Thứ nhất, về vấn đề xác định chi phí thực hiện tống đạt theo phương thức “thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng” người viết đồng thuận với quan điểm thứ hai, cũng là quan điểm của tác giả bài viết khi cho rằng đó là chi phí tố tụng. Cụ thể hơn, theo quan điểm của người viết chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trong giải quyết vụ việc dân sự là lệ phí - lệ phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (Chi phí tố tụng gồm án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác) theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015. Nhưng xét về bản chất, đó là chi phí tố tụng khác (không phải là lệ phí) như quan điểm của tác giả bài viết.
Khoản 4 Điều 143 BLTTDS 2015 quy định: Lệ phí bao gồm lệ phí cấp bản sao bản án, quyết định và các giấy tờ khác của Tòa án, lệ phí nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự, lệ phí giải quyết việc dân sự và các khoản lệ phí khác mà luật có quy định.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 178 BLTTDS 2015 thì việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng có thể được thực hiện nếu có yêu cầu của các đương sự khác. Trong trường hợp này, lệ phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng do đương sự có yêu cầu thông báo chịu.
Vì vậy, theo quy định của BLTTTDS 2015 thì chi phí thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng là khoản lệ phí mà đương sự có yêu cầu thực hiện thủ tục này phải chịu.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 109 Luật Tố tụng Hành chính (TTHS) 2015 quy định việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng có thể được thực hiện nếu có yêu cầu của đương sự khác. Trường hợp này, đương sự có yêu cầu thông báo phải chịu chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Như vậy, Luật TTHC 2015 quy định đây là khoản “chi phí” thay vì là “lệ phí” như BLTTDS 2015.
Luật Phí, lệ phí 2015 và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 không đề cập đến loại “lệ phí” hay “chi phí” này.
Lệ phí được định nghĩa là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí 2015.
Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện qua dịch vụ của các cơ quan báo chí, truyền thông là đơn vị trực thuộc của tổ chức chính trị - xã hội (Báo Tuổi trẻ), thuộc Toà án nhân dân (Tạp chí Toà án), Đài truyền hình trung ương… không nằm trong phạm trù cơ quan nhà nước “phục vụ công việc quản lý nhà nước” (đó là các đơn vị sự nghiệp công lập) nên người viết cho rằng khoản phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được xác định là “chi phí” và là chi phí tố tụng khác sẽ phù hợp hơn với nội hàm của khái niệm “lệ phí” theo định nghĩa của Luật Phí và Lệ phí 2015.
Tương tự như đối với những khoản tạm ứng chi phí tố tụng khác: Người yêu cầu Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo yêu cầu của Tòa án; Người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định…
Theo logic, người yêu cầu thực hiện thủ tục là chủ thể có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng dù họ chưa hẳn phải là chủ thể chịu các chi phí này khi có bản án, quyết định. Nên chủ thể BLTTDS 2015 đã quy định là chủ thể chịu lệ phí hay “chi phí” thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chính là chủ thể phải có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng cho lệ phí, “chi phí” này.
Về nghĩa vụ chịu khoản chi phí này, dù BLTTDS 2015 quy định đương sự có yêu cầu thực hiện thủ tục này phải chịu nhưng trong trường hợp tại thoả thuận, hợp đồng, các đương sự có thoả thuận bên vi phạm nghĩa vụ tại hợp đồng dẫn đến việc bên còn lại phải tiến hành thủ tục khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và được Toà án chấp nhận yêu cầu khởi kiện là có căn cứ thì bên vi phạm nghĩa vụ có trách nhiệm phải chịu mọi chi phí phát sinh trong quá trình khởi kiện, trong đó có lệ phí thực hiện thủ tục thông báo thì người viết cho rằng đây là thoả thuận hợp pháp, có giá trị ràng buộc thực hiện nên cần được xem xét trong quá trình tuyên án đối với lệ phí thực hiện thủ tục thông báo này.
Ở khía cạnh khác, trong trường hợp việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo thì Toà án phải thực hiện việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay chưa có hướng dẫn về người có nghĩa vụ chịu chi phí trong trường hợp này. Do chi phí của việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng là khá cao, đối với nhiều đương sự trong những tranh chấp giá trị không cao là gánh nặng nên không phải lúc nào đương sự cũng hợp tác để làm đơn yêu cầu thực hiện thủ tục thông báo và nếu Toà án thực hiện thông báo, trong khi luật chưa có hướng dẫn cụ thể về việc chủ thể chịu chi phí cho trường hợp Toà án thực hiện thủ tục, nếu dùng tiền từ Ngân sách nhà nước thì sẽ là gánh nặng cho Ngân sách và dễ dẫn đến tình trạng ỷ lại từ đương sự, đẩy gánh nặng về phía Toà án và Ngân sách Nhà nước.
Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo Pháp lệnh về chi phí tố tụng[2] tháng 9/2023 đã xác định thống nhất đó là khoản “chi phí tố tụng” thuộc chi phí tố tụng khác (không phải là lệ phí) và đang dự thảo theo hướng:
* Đối với nghĩa vụ nộp tạm ứng chi phí thông báo:
- Người yêu cầu là chủ thể có nghĩa vụ đóng tạm ứng chi phí thông báo;
- Trong trường hợp Toà án thực hiện thủ tục (không do đương sự yêu cầu) thì có hai phương án: hoặc nguyên đơn tạm ứng hoặc Toà án nộp tiền tạm ứng.
* Đối với nghĩa vụ chịu chi phí thông báo:
- Người yêu cầu là chủ thể phải chịu chi phí (thống nhất với quy định của BLTTDS 2015 và Luật TTHC 2015);
- Trong trường hợp Toà án thực hiện thủ tục (không do đương sự yêu cầu) thì có hai phương án: Hoặc nguyên đơn chịu chi phí hoặc Toà án chịu chi phí này (lấy từ kinh phí hoạt động hằng năm của Toà án).
Như người viết đã phân tích ở phần trên, để tránh tình trạng đương sự ỷ lại và đùn đẩy trách nhiệm về phía Toà án để tiết kiệm chi phí tố tụng thì phương án nguyên đơn, người yêu cầu là chủ thể phải có trách nhiệm chịu chi phí này khi Toà án thực hiện thủ tục là phương án hợp lý và phù hợp khi Tòa án chỉ nhân danh Nhà nước giải quyết các tranh chấp về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên, thực hiện chức năng xét xử nhằm đảm bảo công bằng xã hội cho nên nghĩa vụ chịu các chi phí tố tụng nói chung, chi phí tống đạt nói riêng phải thuộc về các đương sự.
Thứ hai, về vấn đề xác minh sự có mặt, vắng mặt tại nơi cư trú; nơi cư trú của một cá nhân, cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo (viết tắt: là người được cấp, tống đạt, thông báo) trong cùng một vụ án, người viết đồng thuận với quan điểm của tác giả bài viết là cần phải xác minh lại nơi cư trú, sự có mặt, vắng mặt tại nơi cư trú của người được cấp tống đạt mỗi khi thực hiện việc niêm yết công khai. Khoản 5 Điều 177 BLTTDS 2015 quy định trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt, thông báo, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, thực hiện thủ tục niêm yết công khai văn bản cần tống đạt theo quy định tại Điều 179 của Bộ luật này. Biên bản phải được lưu trong hồ sơ vụ án.
Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện trong trường hợp này do không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng.
Một bộ hồ sơ thực hiện thủ tục niêm yết công khai theo quy định của BLTTDS 2015 gồm:
- Biên bản xác minh, xác nhận sự kiện người được cấp tống đạt, thông báo vắng mặt ở nơi cư trú, không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới;
- Biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt, thông báo. Hoặc biên bản này cũng chứa đựng nội dung của Biên bản (1);
- Biên bản niêm yết tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo; Niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;
Căn cứ để lập được Biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản bản tố tụng là biên bản xác minh, xác nhận sự kiện người được cấp tống đạt, thông báo vắng mặt ở nơi cư trú, không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới nên không thể chỉ xác minh một lần, tại một thời điểm duy nhất và tiếp tục làm căn cứ cho những biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt, thông báo sau này. Vì văn bản tố tụng của Toà án được phát hành và tống đạt đến đương sự ở những thời điểm khác nhau nên biên bản lập xác nhận nội dung không thực hiện được việc cấp, tống đạt, thông báo do chính quyền địa phương xác nhận có thời điểm lập biên bản khác nhau nên không thể chỉ xác nhận một lần và dùng biên bản này cho những lần thực hiện thủ tục niêm yết sau (khác mốc thời gian thực hiện thủ tục tống đạt văn bản, thông báo, lệch thời gian khi đối sánh với biên bản niêm yết công khai).
Điều 3 BLTTDS 2015 quy định mọi hoạt động tố tụng dân sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân theo các quy định của BLTTDS 2015. Và đối với quy định về thủ tục thực hiện niêm yết công khai, BLTTDS 2015 không có quy định nào ngoại lệ về thủ tục xác minh nơi cư trú của người được cấp tống đạt cho những lần sau đó để xác định được sự kiện: “người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới”.
Đồng thời, người viết cho rằng, khi Toà án thực hiện thủ tục xác minh việc có mặt, vắng mặt của người được cấp tống đạt văn bản ở nhiều thời điểm khác nhau thì sẽ đảm bảo hơn quyền lợi của người được cấp, tống đạt, khi có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo thì sẽ thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Trên đây là quan điểm, góc nhìn và cách hiểu của người viết về vấn đề chi phí thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và thủ tục xác minh nơi cư trú của người được cấp tống đạt văn bản tố tụng khi thực hiện thủ tục niêm yết công khai theo quy định của BLTTDS 2015. Người viết rất mong nhận được ý kiến góp ý từ quý độc giả Tạp chí Toà án.
Nguồn DƯƠNG THỊ CHIẾN (Công ty Luật TNHH Pros Legal, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) và tapchitoaan.vn