Hỏi đáp luật Hình sự
28/05/2016
Trả lời
Theo quy định tại Điều 2 Mục II Thông tư liên tịch số 09/2006/TTLT/BLĐTBXH-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 4-8-2006 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Bộ Công an - VKSNDTC - TANDTC hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động ở nước ngoài thì: Người lao động bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội \"ở lại nước ngoài trái phép\" theo quy định tại Điều 274 BLHS khi có một trong các trường hợp sau:
- Người lao động đã bị xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả \"buộc về nước\" theo đúng thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt quy định tại Điều 31 Nghị định số 141 nhưng sau 30 ngày, kể từ ngày thông báo về việc không chấp hành quyết định xử phạt mà người bị xử phạt vẫn không chấp hành quyết định xử phạt.
- Người lao động đã chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả \"buộc về nước\", nhưng chưa hết thời hạn một năm kể từ ngày về nước lại được đưa đi làm việc hợp pháp ở nước ngoài dưới hình thức xuất khẩu lao động và đã thực hiện một trong các hành vi như bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào nước tiếp nhận lao động để ở lại nước ngoài trái phép; tự ý bỏ nơi đang làm việc theo hợp đồng lao động để ở lại nước ngoài trái phép và không về nước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo thời hạn quy định của nước sở tại.
Những người khác không thuộc các trường hợp trên cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội \"ở lại nước ngoài trái phép\" với vai trò đồng phạm.
Câu hỏi
Xin cho biết người cha bán con có phạm tội không? Mức hình phạt thế nào?
Trả lời
Theo quy định tại Điều 120 Bộ luật hình sự thì hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em là một tội phạm hình sự và bị xử phạt như sau:
- Người có hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
- Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt nhiều trẻ em;
đ) Để đưa ra nước ngoài;
e) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo;
g) Để sử dụng vào mục đích mại dâm;
h) Tái phạm nguy hiểm;
i) Gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc phạt quản chế từ 1 năm đến 5 năm.
Với quy định nói trên, pháp luật không phân biệt người phạm tội là cha, mẹ trẻ em hay người khác. Vì vậy, hành vi người cha mang bán hai đứa con vẫn cấu thành tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em. Việc tìm lại được hai đứa trẻ chỉ có thể được tòa án coi là tình tiết giảm nhẹ khi xét xử vụ án.
Câu hỏi
Gần đây diễn ra rất nhiều tình trạng khủng bố qua tin nhắn điện thoại. Tôi hiện nay cũng là nạn nhân của tình trạng này. Chỉ vì một hiểu lầm nhỏ trong gia đình mà tôi bị một người em cùng cha khác mẹ liên tục nhắn tin sỉ nhục, lăng mạ, thậm chí còn đe dọa sẽ thuê người hành hung. Từ khi nhận được những tin nhắn khủng bố, tôi luôn phải sống trong tâm trạng căng thẳng, mất ăn, mất ngủ và không yên tâm làm việc. Tôi vô cùng bức xúc và lo lắng, tôi muốn biết pháp luật nước ta quy định như thế nào về những trường hợp này.
Trả lời
Khủng bố được thể hiện dưới muôn vàn hình thức, trong đó có nhắn tin qua máy điện thoại di động nhằm quấy nhiễu, sỉ nhục, chửi bới, lăng mạ, tống tiền hoặc đe dọa sinh mạng của người nhận tin nhắn.
Để xử lý cần căn cứ vào mức độ và hành vi cụ thể của người thực hiện, thiệt hại thực tế xảy ra, mức độ nghiêm trọng của hậu quả đó... để áp dụng hình thức xử lý hoặc xác định tội danh phù hợp. Trong trường hợp tin nhắn khủng bố chỉ dừng lại ở mức độ thông thường, chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người thực hiện có thể bị xử lý hành chính kèm theo các biện pháp cưỡng chế khác như buộc xin lỗi công khai, cam kết không tái phạm.
Tuy nhiên trong các trường hợp khác, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự theo các tội danh tương ứng. (Ví dụ như làm cho người bị hại lo sợ hành vi đe dọa giết người sẽ được thực hiện thì người nhắn tin khủng bố có thể bị khởi tố về tội đe dọa giết người theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Hình sự.)
Trường hợp mà ông đưa ra, ông nên tố cáo việc mình bị khủng bố bằng tin nhắn đến cơ quan công an để có biện pháp xử lý thích đáng đối với người thực hiện.
Câu hỏi
Anh trai tôi có mua một chiếc xe máy của kẻ ăn cắp nhưng không biết là xe gian. Khi anh tôi sử dụng chiếc xe này lưu thông trên đường thì bị bắt phạt và cảnh sát truy ra là xe ăn cắp. Xin hỏi anh tôi có phạm tội không?
Trả lời
Điều 250 Bộ luật hình sự 1999 về tội \"chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” có qui định: người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp anh của bạn, nếu thật sự không biết chiếc xe mình mua có nguồn gốc bất hợp pháp thì anh của bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Câu hỏi
Bị cáo phạm tội khi chưa thành niên, khi xét xử thì đã thành niên. Toà án có phải triệu tập người đại diện hợp pháp và chỉ định Luật sư cho bị cáo không?
Trả lời
Nếu khi xét xử, bị cáo đã thành niên thì Toà án không cần phải chỉ định Luật sư cho bị cáo, Hội đồng xét xử cũng không nhất thiết phải có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân là giáo viên hay làm công tác Đoàn thanh niên (mục 3 phần II Nghị quyết số 03/2004 ngày 02/10/2004 HĐTP). Nghị quyết ngày cũng không hướng dẫn về việc có phải triệu tập người đại diện hợp pháp của bị cáo hay không. Mặc dù không phải chỉ định Luật sư, không phải thành lập Hội đồng xét xử phải có thành phần tham gia “đặc biệt” nhưng khi áp dụng pháp luật, các Toà án vẫn phải áp dụng các quy định khác đối với người chưa thành niên phạm tội, trong đó có quy định về người đại diện hợp pháp. Họ có quyền tham gia phiên toà và có quyền được kháng cáo bản án, quyết định của Toà án.
Câu hỏi
Bị cáo có hành vi gian dối, lừa người đi xuất khẩu lao động nhưng không thực hiện hành vi đưa họ đi lao động xuất khẩu. Người lao động đòi lại tiền đã nộp nhưng không được. Hành vi đó của bị cáo phạm tội gì?
Trả lời
Dùng thủ đoạn gian dối, lừa người khác, làm cho họ tin việc đi xuất khẩu lao động là thật và tin tưởng họ đã nộp tiền. Bị cáo nhận tiền nhưng không thực hiện việc đưa những người lao động ra nước ngoài lao động và cũng không trả lại tiền đã thu. Hành vi đó của bị cáo phạm vào Điều 139 BLHS “Lừa đảo để chiếm đoạt tài sản”.
Câu hỏi
Anh Nguyễn Văn A, là quản lý của khách sạn X, đã nhiều lần gọi gái mại dâm đến để phục vụ khách có nhu cầu đang nghỉ tại khách sạn anh A đang quản lý. Xin hỏi anh Nguyễn Văn A phạm tội “chứa mại dâm” hay tội “môi giới mại dâm”?
Trả lời
Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về định tội, trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội là chủ hoặc người quản lý khách sạn, nhà trọ…. có hành vi gọi gái mại dâm đến cho khách để họ mua bán dâm như sau:
1. Trong trường hợp chủ hoặc người quản lý khách sạn, nhà trọ... Gọi gái mại dâm đến cho khách để họ mua bán dâm ngay tại khách sạn, nhà trọ... Thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của người gọi gái mại dâm thì người đó chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về \"tội chứa mại dâm\".
2. Trong trường hợp chủ hoặc người quản lý khách sạn, nhà trọ... Vừa gọi gái mại dâm đến cho khách để họ mua bán dâm ngay tại khách sạn, nhà trọ... Thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của người gọi gái mại dâm vừa còn gọi gái mại dâm khác cho khách mua dâm khác để họ thực hiện việc mua bán dâm tại nơi khác thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về \"tội chứa mại dâm\" và \"tội môi giới mại dâm\".
Trường hợp trên, anh Nguyễn Văn A chỉ gọi gái mại dâm đến để phục vụ khách có nhu cầu đang nghỉ tại khách sạn, và không có hành vi gọi gái mại dâm khác cho khách mua dâm thực hiện việc mua bán dâm ở nơi khác nên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “chứa mại dâm” quy định tại điều 254 Bộ luật hình sự.
Câu hỏi
Em trai tôi phạm hai tội (đều là tội ít nghiêm trọng) và đã bị tạm giam thì có được hưởng án treo không?
Trả lời
Án treo là một biện pháp chấp hành hình phạt tù. Theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Hình sự thì: \"Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm\". Tuy nhiên, điều luật không quy định các điều kiện cụ thể để áp dụng biện pháp án treo đối với người phạm tội.
Tại Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2/10/2007, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn, chỉ cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Bị xử phạt tù không quá ba năm, không phân biệt về tội gì.
Trường hợp người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội mà khi tổng hợp hình phạt, hình phạt chung không quá ba năm tù, thì cũng có thể cho hưởng án treo.
b) Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự; có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng.
c) Có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng, thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên.
d) Nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Như vậy, em trai bạn phạm hai tội (đều là tội ít nghiêm trọng) và đã bị tạm giam thì vẫn có thể được hưởng án treo nếu có đủ điều kiện nói trên, tuy nhiên, Tòa án chỉ cho người đó hưởng án treo khi thời gian đã bị tạm giam ngắn hơn thời hạn phạt tù.
Câu hỏi
Con trai tôi,chơi thân với B là một con nghiện. Vì nể bạn nên thỉnh thoảng con tôi đã đồng ý cho B vào nhà để hút heroin. Một lần bị công an bắt quả tang B đang hút heroin tại nhà tôi. Xin Ban biên tập cho biết con tôi có phạm tội không và nếu có thì phạm tội gì?
Trả lời
Mặc dù hành vi cho bạn vào nhà hút heroin là vì nể bạn nhưng con bà đã phạm vào tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý” được quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự năm 1999. Hình phạt đối với tội này được quy định như sau:
- Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội nhiều lần;đối với trẻ em;đối với nhiều người; tái phạm nguy hiểm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, đối chiếu với các quy định trên, con trai bạn có thể bị phạt từ hai đến bảy năm tù. Tuy nhiên khi xét xử, Toà án còn căn cứ vào nhân thân và thái độ thành khẩn khai báo, hợp tác với cơ quan điều tra để xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Câu hỏi
Xin cho biết điều kiện để được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt tù? anh trai tôi bị tòa án phạt 20 tháng tù về tội vi phạm các qui định về an toàn giao thông đường bộ, trong khi chờ đi thụ hình đã có công cứu được 3 trẻ nhỏ bị nước lũ cuốn trôi, như vậy anh tôi có được được miễn chấp hành hình phạt tù không?
Trả lời
Theo quy định tại Điều 57 Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2/10/2007 thì người bị kết án tù có thời hạn, chưa chấp hành hình phạt được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo (“lập công lớn” là trường hợp người bị kết án đã có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc đã cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn; có những phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị hoặc thành tích xuất sắc đột xuất khác được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận).
b) Người bị kết án không còn nguy hiểm cho xã hội, được chứng minh bằng việc họ đã hoàn lương, chăm chỉ làm ăn, tham gia các hoạt động xã hội...
c) Được Viện trưởng Viện kiểm sát đề nghị bằng văn bản cho miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
Theo các quy định nói trên, nếu anh trai bạn có công cứu được 3 trẻ em bị nước lũ cuốn trôi, hiện đã chăm chỉ làm ăn, tham gia các hoạt động xã hội... và được Viện trưởng Viện kiểm sát đề nghị thì có thể được xét miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.