Bản tin pháp luật số 2 - 2013
28/05/2016
Đối với cà phê
Tại Nghị định này, Chính phủ quyết định gia hạn thời gian vay vốn lên tối đa là 36 tháng đối với khoản vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước cho các nhóm hàng xuất khẩu cà phê, hạt điều đã qua chế biến với điều kiện doanh nghiệp bị lỗ trong
02 năm 2011, 2012 và không cân đối được nguồn vốn để trả nợ theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký với Ngân hàng Phát triển Việt Nam từ ngày 18/10/2013.
Trước đó, khoảng thời gian vay vốn được gia hạn lên tối đa 36 tháng này chỉ được áp dụng đối với khoản vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước cho các nhóm hàng xuất khẩu rau quả, thủy sản với cùng điều kiện nêu trên.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/10/2013.
Thay đổi điều kiện được bảo lãnh tín dụng
Ngày 15/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó đáng chú ý là quy định mới về điều kiện được bảo lãnh tín dụng.
Cụ thể, các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật hiện hành, vay vốn bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng muốn được Quỹ Bảo lãnh tín dụng xem xét, cấp bảo lãnh, ngoài việc phải đáp ứng một số điều kiện của pháp luật hiện hành như: Có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay; tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác,
còn phải có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tối thiểu bằng 15% giá trị khoản vay và có tối thiểu 15% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh.
Bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi khoản vay của bên được bảo lãnh tại bên nhận bảo lãnh. Trong đó, mức bảo lãnh tối đa cho 01 khách hàng được bảo lãnh không vượt quá 15% vốn chủ sở hữu của Quỹ Bảo lãnh tín dụng và tổng mức bảo lãnh tín dụng của Quỹ cho các bên được bảo lãnh tối đa không vượt quá 05 lần so với vốn điều lệ thực có của Quỹ Bảo lãnh tín dụng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/12/2013.
* Xuất nhập khẩu:
Khai khống số lượng hàng nhập khẩu,
Phạt đến 40 triệu đồng
Ngày 15/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan, với mức phạt tiền tăng đáng kể đối với từng hành vi vi phạm.
Cụ thể, mức phạt tiền đối với tổ chức có hành vi khai khống về tên hàng, số lượng, trọng lượng hàng hóa (trừ hàng hóa là sản phẩm gia công, sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu không phù hợp với nguyên liệu đã nhập khẩu…) tăng từ 05 - 20 triệu đồng lên 20 - 40 triệu đồng; mức phạt tiền đối với tổ chức có hành vi đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan với hàng hóa chưa kiểm tra hải quan và tự ý tiêu thụ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan, hàng hóa được giao bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan theo quy định lần lượt là 20 - 60 triệu đồng và 20 - 40 triệu đồng, tăng 15 - 45 triệu đồng và 05 - 10 triệu đồng so với quy định
hiện hành…
Riêng đối với hành vi tự ý tiêu thụ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan và thuộc diện cấm xuất, nhập khẩu; tạm ngừng xuất, nhập khẩu hoặc không đủ điều kiện để xuất, nhập khẩu hoặc thuộc trường hợp phải có giấy phép mà không có giấy phép khi xuất, nhập khẩu; hàng hóa là hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất thuộc diện phải có giấy phép mà không có giấy phép; hàng hóa thuộc danh mục cấm kinh doanh tạm nhập - tái xuất…, mức phạt tiền là từ 40 - 60 triệu đồng.
Nghị định này bãi bỏ Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07/06/2013, Nghị định số 18/2009/NĐ-CP ngày 18/02/2009 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2013.
* Xây dựng:
Phạt đến 1 tỷ đồng đối với vi phạm thi công xây dựng
Ngày 10/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
Theo quy định tại Nghị định này, mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức có hành vi vi phạm trong lĩnh vực hoạt động xây dựng là 01 tỷ đồng; trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở là 300 triệu đồng.
Trong đó, mức phạt tiền đối với tổ chức tự ý phá dỡ, cải tạo làm thay đổi quy hoạch, kiểu dáng kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng đối với biệt thự nhóm 1 và nhóm 2 lần lượt là 100 - 120 triệu đồng và 80 - 100 triệu đồng; mức phạt tiền đối với tổ chức tổ chức thi công xây dựng công trình sai giấy phép, sai nội dung xây dựng được cấp hoặc không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có…, sau khi có biên bản vi phạm hành chính của người có thẩm quyền mà vẫn tái phạm là 500 triệu đến 01 tỷ đồng.
Mức phạt tiền từ 500 triệu đến 01 tỷ đồng nêu trên cũng được áp dụng đối với trường hợp nhà thầu tiếp tục thực hiện thi công xây dựng đối với công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình đã bị người có thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình.
Tùy theo mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động từ 06 - 12 tháng và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; khôi phục lại tình trạng ban đầu; phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm theo quy định của pháp luật…
Nghị định này thay thế Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/11/2013.
* Thương mại:
Cung ứng dịch vụ công ích phải đăng ký hoạt động
Đây là một trong những nội dung quy định tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.
Theo đó, ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện của pháp luật hiện hành như: Có đủ năng lực về tài chính, trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất, trình độ quản lý và tay nghề của người lao động đáp ứng được các yêu cầu của hợp đồng đặt hàng; các nhà sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích nhận đặt hàng sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích còn phải đăng ký ngành nghề kinh doanh, đăng ký hoạt động phù hợp.
Việc đặt hàng sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên từ đấu thầu, đặt hàng đến giao kế hoạch. Trong đó, việc tổ chức đấu thầu thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện như: Kế hoạch đấu thầu và hồ sơ mời thầu đã được phê duyệt; thông tin về đấu thầu đã được đăng tải theo quy định
của pháp luật; nội dung, danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích và dự toán được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định.
Nhà thầu tham gia đấu thầu thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích nêu trên phải bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định của pháp luật và chỉ được tham gia trong 01 hồ sơ dự thầu đối với 01 gói thầu với tư cách là nhà thầu độc lập hoặc nhà thầu liên danh. Trường hợp liên danh phải có văn bản thỏa thuận giữa các thành viên, trong đó quy định rõ người đứng đầu của liên danh, trách nhiệm chung và trách nhiệm riêng của từng thành viên đối với công việc thuộc gói thầu.
Nghị định này bãi bỏ Nghị định số 31/2005/NĐ-CP ngày 11/03/2005, Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg ngày 09/11/2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/11/2013.
* Y tế - Sức khỏe:
Người nhiễm HIV phải tái khám theo định kỳ
Ngày 17/10/2013, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 32/2013/TT-BYT hướng dẫn quản lý, theo dõi điều trị người nhiễm HIV và người phơi nhiễm với HIV với những quy định cụ thể về quy trình điều trị đối với người nhiễm HIV đang được quản lý tại cơ sở điều trị.
Cụ thể, người nhiễm HIV đang được quản lý tại cơ sở điều trị nhưng chưa đủ tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc kháng HIV được tái khám định kỳ 03 tháng/lần; tư vấn tuân thủ điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội, dự phòng mắc lao và lợi ích của tái khám đúng hẹn; đánh giá tình trạng sức khỏe khi tái khám; đánh giá tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc kháng HIV trong tất cả các lần tái khám; điều trị dự phòng mắc bệnh lao khi người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn…
Trường hợp đủ tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc kháng HIV, trẻ em được tái khám
từ 01-03 tháng/lần; người lớn được tái khám hàng hàng tháng trong vòng 06 tháng sau khi bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng HIV, sau đó căn cứ vào mức độ đáp ứng điều trị và tuân thủ điều trị của người bệnh có thể tái khám 06 tháng/lần. Khi tái khám, được đánh giá giai đoạn lâm sàng; phát hiện và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội mới; phát hiện và xử trí tác dụng phụ của thuốc; sàng lọc, phát hiện các biển hiện thất bại về lâm sàng, miễn dịch và các yếu tố nguy cơ gây thất bại điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người nhiễm HIV đã có thời gian điều trị thuốc kháng HIV bậc 1 từ 06 tháng trở lên. Ngoài ra, người nhiễm HIV được cấp phát thuốc định kỳ hàng tháng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2013 và thay thế Quyết định số 2051/QĐ-BYT ngày 09/06/2006.
* Sở hữu trí tuệ:
Vi phạm hành chính về quyền tác giả,
Phạt đến 500 triệu đồng
Ngày 16/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức. Trong đó, mức phạt tiền đối với tổ chức có hành vi nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định là 400 - 500 triệu đồng, mức phạt theo quy định cũ là 10 - 30 triệu đồng và 30 - 50 triệu đồng; mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng mà không được phép của chủ sở hữu quyền của tổ chức phát sóng từ 70 - 100 triệu đồng, tăng từ 30 - 40 triệu đồng so với trước đây; mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép
của chủ sở hữu quyền của nhà xuất bản ghi âm, ghi hình từ 15 - 35 triệu đồng…
Ngoài mức phạt tiền nêu trên, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc sửa lại đúng tên tác giả, tên tác phẩm, tên người biểu diễn; buộc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan; hoàn trả cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2013; thay thế Nghị định số 47/2009/NĐ-CP ngày 13/05/2009 và Nghị định số 109/2011/NĐ-CP ngày 02/12/2011.
* Bảo hiểm:
Hướng dẫn tính thời gian công tác hưởng BHXH đối với cán bộ xã
Ngày 17/10/2013, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 24/2013/TT-BLĐTBXH, hướng dẫn tính thời gian công tác để hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người lao động đảm nhiệm các chức danh quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 (gồm: Bí thư Đảng ủy xã, Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã…) và được điều động, tuyển dụng vào quân đội nhân dân, công an nhân dân hoặc vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trước ngày 01/01/1998.
Thông tư quy định, từ ngày 01/06/2013, thời gian tính hưởng BHXH đối với các đối tượng nêu trên (trường hợp chưa được tính hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc trợ cấp 01 lần) được tính bằng thời gian đảm nhiệm các chức danh có quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP trước ngày 01/01/1998 cộng nối với thời gian đóng BHXH sau khi được điều động, tuyển dụng vào quân đội nhân dân, công an nhân dân hoặc vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Nhà nước,
tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Trường hợp người lao động nêu trên được cơ quan có thẩm quyền cử đi học chuyên môn, chính trị trước ngày 01/01/1998 và tiếp tục giữ các chức danh quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP hoặc được điều động, tuyển dụng ngay vào quân đội, công an hoặc làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ngay sau khi hoàn thành khóa học, thì thời gian đi học được tính là thời gian công tác để tính BHXH.
Riêng đối với các đối tượng đã được giải quyết lương hưu hoặc BHXH 01 lần trong thời gian từ ngày 01/06/2013 đến ngày 01/12/2013, nếu thuộc đối tượng áp dụng nêu trên thì được tính thời gian công tác theo hướng dẫn trên để tính lại chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2013.
* Công nghiệp:
Trộm cắp điện tử từ 20.000 KWH sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự
Ngày 17/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quy định mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức hoặc đơn vị điện lực vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực và lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; an toàn đập thủy điện lần lượt là 100 triệu đồng và 200 triệu đồng.
Cụ thể, phạt từ 15 - 20 triệu đồng đối với đơn vị hoạt động điện lực trong thời gian Giấy phép hoạt động điện lực đã hết thời hạn sử dụng hoặc bị mất, thất lạc mà không báo cáo đối với cơ quan cấp giấy phép; phạt tiền lần lượt từ 90 - 100 triệu đồng; 10 - 15 triệu đồng và 45 - 50 triệu đồng đối với đơn vị phát điện có tổng công suất đặt các nhà máy điện lớn hơn 25% tổng công suất đặt của các nhà máy điện có công suất lớn hơn 30MW trong hệ thống điện; người cho thuê nhà thu tiền điện
của người thuê nhà cao hơn giá quy định (trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ) và cá nhân có hành vi trộm cắp điện số lượng từ 18.000 kWh đến dưới 20.000 kWh…
Riêng đối với hành vi trộm cắp điện từ 20.000 kWh trở lên, người có thẩm quyền phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.
Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức hoặc đơn vị điện lực có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc nộp ngân sách Nhà nước số tiền bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; khôi phục lại tình trạng ban đầu; thay thế, lắp đặt các vật tư, thiết bị đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; bồi thường toàn bộ số tiền bị thiệt hại…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2013.
* Tư pháp - Hộ tịch:
Tăng thù lao của luật sư tham gia tố tụng
Nội dung này được thể hiện tại Nghị định 123/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 14/10/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư.
Theo đó, kể từ ngày 28/11/2013, mức thù lao luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự do khách hàng và văn phòng luật sư, công ty luật thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp luật được tính theo giờ hoặc tính trọn gói theo vụ việc, nhưng mức cao nhất cho 01 giờ làm việc của luật sư không được vượt quá 0,3 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định, tương đương 345.000 đồng/giờ, thay vì 100.000 đồng/giờ như quy định trước đây.
Đồng thời, đối với những vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu luật sư thì mức thù lao được trả cho 01 ngày làm việc của luật sư là 0,4 lần mức lương cơ sở, tương đương 460.000 đồng/ngày (mức thù lao theo quy định trước đây là 120.000 đồng/ngày). Ngoài khoản tiền thù lao, trong quá trình chuẩn bị và tham gia
bào chữa tại phiên tòa và các cơ quan tiến hành tố tụng, luật sư còn được thanh toán chi phí tàu xe, lưu trú theo quy định về chế độ công tác phí cho công chức, cán bộ Nhà nước đi công tác trong nước.
Cũng theo Nghị định này, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam và luật sư Việt Nam làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam không được thực hiện các thủ tục về nuôi con nuôi, kết hôn, hộ tịch, quốc tịch Việt Nam; thực hiện dịch vụ công chứng, thừa phát lại; chứng thực bản sao, bản dịch giấy tờ do cơ quan Nhà nước, tổ chức của Việt Nam cấp…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/11/2013; thay thế Nghị định số 28/2007/NĐ-CP ngày 26/02/2007, Nghị định số 131/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 và Điều 3, Điều 5 Nghị định số 05/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012.