Menu

Tin tức

Cần áp dụng tương tự pháp luật về mức cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn

Thứ nhất, tại Điều 6 Dự thảo năm 2022 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số vấn đề về giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình có nêu “tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Tòa án quyết định mức cấp dưỡng ít nhất bằng 2/3 mức lương cơ sở và không được thấp hơn 30% mức thu nhập bình quân của người có nghĩa vụ cấp dưỡng trong 06 tháng liền kề”. 

Như vậy, theo tinh thần Dự thảo này thì việc xác định mức lương làm căn cứ tính mức cấp dưỡng là dựa vào lương cơ sở mà không căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng, đồng thời cũng dự trù trường hợp mức cấp dưỡng không được thấp hơn 30% mức thu nhập bình quân của người có nghĩa vụ cấp dưỡng trong 06 tháng liền kề.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP) thì tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc nuôi dưỡng trước khi chết được xác định như sau: (i) Mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng, nhưng không thấp hơn 01 tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người được cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng; (ii) Thời điểm cấp dưỡng được tính từ thời điểm người bị thiệt hại bị xâm phạm về sức khỏe; (iii) Đối tượng được bồi thường tiền cấp dưỡng là những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.

Như vậy, căn cứ để quyết định mức cấp dưỡng dựa trên lương tối thiểu vùng, cụ thể “không thấp hơn 01 tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người được cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng”.

Chúng tôi cho rằng: Khoản 1 Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ dừng lại ở việc quy định có tính chất định tính mà không quy định định lượng cụ thể “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”, do đó, thực tế dẫn đến việc áp không thống nhất.

Trước khi Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực pháp luật thì thực tiễn chỉ ghi nhận trường hợp được hướng dẫn tại Mục 2 Phần III Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của TANDTC về xác định mức cấp dưỡng mang tính chất định lượng cụ thể “Tòa án phải xem xét đến khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người phải đóng góp phí tổn cũng như khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người nuôi dưỡng con. Trong đó mức đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con tối thiểu không dưới 1/2 (một phần hai) mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điếm xét xử sơ thẩm đối với một người con đế làm căn cứ giải quyết”.

Tuy nhiên, mức cấp dưỡng này so với thu nhập, chi phí sinh hoạt của đứa trẻ hiện nay có thể đã không còn phù hợp. Chính vì vậy, việc Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP xác định mức cấp dưỡng “không thấp hơn 01 tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người được cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng” cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc nuôi dưỡng trước khi chết là điều cần thiết. Mặc dù quy định này hướng dẫn liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà không quy định cụ thể mức cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con sau khi ly hôn nhưng căn cứ vào Điều 6 BLDS năm 2015 cũng như căn cứ vào điểm c khoản 3 Điều 8 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP “Đối tượng được bồi thường tiền cấp dưỡng là những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình” thì có thể áp dụng tương tự pháp luật xác định mức cấp dưỡng “không thấp hơn 01 tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người được cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng”.

Ví dụ: A và B ly hôn, giữa A và B có con chung là C do A là người trực tiếp nuôi dưỡng. Sau đó, B bị chết do tai nạn giao thông, đồng thời xác định cái chết của B là do D gây ra. Về nguyên tắc, theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”, chính vì vậy, D phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con B là C với mức cấp dưỡng “không thấp hơn 01 tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người được cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng” như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng của B đối với người con là C đã được chuyển cho người gây thiệt hại là D.

Chính vì lẽ đó, việc áp dụng tương tự pháp luật mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn “không thấp hơn 01 tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người được cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng” theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 8 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP là điều cần thiết, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em nói riêng, người dưới 18 tuổi nói chung.

Nguồn tạp chí Tòa án