Menu

Tin tức

Phân biệt án treo và cải tạo không giam giữ

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ UY TÍN phân tích sự khác biệt giữa án treo và cải tạo không giam giữ để quý bạn đọc nắm rõ. Án treo là biện pháp miễn phạt tù có điều kiện; còn cải tạo không giam giữ là một trong những hình phạt chính.

Án treo và cải tạo không giam giữ đều không cách ly người bị kết án khỏi xã hội và giao cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương giám sát, giáo dục.

(Hình ảnh mang tính minh họa)

Án treo

Bản chất: Là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện.

Điều kiện áp dụng: Khi mức phạt tù không quá 3 năm, căn cứ nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến 5 năm (khoản 1 Điều 60 Bộ luật Hình sự).

Nếu người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách, có nhiều tiến bộ, toà án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.

Nếu trong thời gian hưởng án treo mà phạm tội mới  thì toà án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới.

Nghĩa vụ, hình phạt bổ sung: Người được hưởng án treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định (theo khoản 3 Điều 60 Bộ luật hình sự).

Cải tạo không giam giữ

Bản chất: Là một hình phạt chính (điểm c khoản 1 Điều 28 Bộ luật hình sự).

Điều kiện áp dụng:Từ 6 tháng đến 3 năm với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng, nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội (khoản 1 Điều 31).

Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng ba ngày cải tạo không giam giữ.

Nghĩa vụ, hình phạt bổ sung: Người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Trong trường hợp đặc biệt, toà án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án (khoản 3 Điều 31).

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ UY TÍN  - Nơi đặt trọn niềm tin của bạn