Menu

Tin tức

Lấy tài sản chung của vợ chồng để tiêu xài riêng có phải là trộm cắp tài sản?

Vợ chồng anh H chị M tự thân vận động bằng sức lao động của mình mà có được nhìn lên thì không bằng người ta, trông xuống thì cũng là ước mơ của nhiều cặp vợ chồng mới tách khỏi sự bao cấp của cha mẹ.

Anh H, chị M không nhiều con, nhưng cũng đủ nuôi có trai, có gái, nhà ở không to đẹp nhưng cũng chịu đựng được bão có cấp độ gió cấp 7, cấp 8, chi tiêu có tính toán nên cũng có đồng dư thừa phòng lúc ốm đau. Vài năm gần đây, chị M chi tiêu rộng rãi làm anh H phải lo lắng vì từ nghèo khó đi lên nên anh H không thể không quan tâm lo lắng đến việc chi tiêu của vợ. Anh H phát hiện chị M còn tham gia chơi lô, đề và đã nhắc nhở. Chị M nghe chồng nói vậy nhưng ít ngày sau vẫn hơi lô đề bình thường.

Anh H thấy lời nói không hiệu quả nên áp dụng biện pháp “cấm vận kinh tế” quản lý tiền chặt chẽ hơn, nhưng cấm vận kinh tế cũng không kết quả, vì chị M vay tiền của người quen để chơi. Chị M cũng có lúc trúng lô đề, cũng có lúc thua. Lúc thắng thì chi tiêu vô tư, còn lúc thua thì nghĩ cách gỡ để không thua và chu trình thắng, thua cứ diễn ra làm chị M không còn minh mẫn, mà thua nhiều hơn thắng. Theo đó là số tiền nợ tăng dần theo thời gian, từ một vài triệu tăng lên vài chục triệu, có lúc đến trăm triệu, nhưng lại giảm nợ còn năm, bảy chục triệu. 
 
Anh H không phải là cử nhân kinh tế, nhưng hay đọc sách nên anh H cũng có một số kiến thức về kinh tế cộng với trí tuệ “trời cho” nên anh tổ chức lao động sản xuất có kết quả mà hiệu quả nhất là thực hiện mối quan hệ giữa tích lũy với tiêu dùng nên hàng năm anh H vẫn tích được vài chục triệu. Số tiền này với một thương nhân không đáng kể, nhưng với hộ gia đình nông nghiệp lại đáng kể.
 
Đầu năm 2012 (sau Tết âm lịch Nhâm Thìn), anh H phát hiện tài sản tích lũy do “cấm vận kinh tế” mà có đã biến mất. Biết chắc là vợ anh, chị M đã lấy số tiền đó, anh H giữ nguyên “hiện trường” đi báo Công an với mục đích để “giáo dục” vợ bằng pháp luật. Cơ quan điều tra của Công an địa phương vào cuộc và chị M đã được gọi hỏi đầu tiên để làm rõ sự việc. Tại Cơ quan điều tra chị đã khai nhận lấy số tiền đó để trả nợ cho người mà chị đã vay để chơi lô đề. Số tiền nợ là xấp xỉ 90 triệu đồng. Chị M đã khai đầy đủ chi tiết việc lấy tiền đi trả nợ đó với Cơ quan điều tra và chị M bị truy tố về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 2 Điều 138 BLHS. Kết quả là chị M phải nhận bản án 3 năm tù giam.
 
Sau phiên tòa này đã có hai ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất là đồng tình với việc truy tố, xét xử chị M. Vì chị M có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của chồng. Ý kiến khác lại cho rằng truy tố, xét xử chị M là không đúng, vì trong Điều 138 BLHS không quy định vợ hoặc chồng lấy tài sản của vợ chồng để chi tiêu riêng cho bản thân là phạm tội trộm cắp tài sản.
 
Vụ án chưa kết thúc vì còn phải giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
 
Về vụ án này, ý kiến của chúng tôi như sau: “Vụ án” phát sinh trong thời kỳ hôn nhân giữa anh H và chị M. Số tiền xấp xỉ 90 triệu đồng mà các cơ quan tiến hành tố tụng kết luận chị M chiếm đoạt số tiền này để kết tội chị M là không có căn cứ. Vì số tiền đó là do vợ chồng anh H, chị M tạo ra do lao động sản xuất mà có bằng chứng là tuy chị M đam mê lô đề nhưng anh H vẫn thừa nhận là chị M vẫn hỗ trợ anh trong lao động sản xuất.
 
Về tài sản chung của vợ chồng, Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình quy định như sau: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân… Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất”.
 
Tại khoản 1 Điều 219 BLDS quy định như sau: “Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất”. Sở hữu chung hợp nhất được hiểu là vợ chồng đều là chủ sở hữu đối với tài sản chung của vợ chồng mà không phân biệt.
 
Ngoại trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 219 BLDS là tài sản chung của vợ chồng mà không phân biệt.
 
Ngoại trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 219 BLDS là tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia “theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án”.
 
Số tiền mà chị M lấy để trả nợ không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 219 BLDS. Do đó số tiền xấp xỉ 90 triệu đồng không phải là tài sản riêng của anh H. Đã không phải là tài sản riêng của anh H mà kết án chị M về tội trộm cắp tài sản là không đúng.
 
Vợ lấy tài sản chung của vợ chồng để chi tiêu riêng cho bản thân bị kết án về tội trộm cắp tài sản là độc nhất vô nhị. Hãy chờ phán quyết của Tòa án cấp trên.