Menu

Tin tức

Giải quyết yêu cầu ly hôn và xử lý vấn đề con cái theo Luật HN&GĐ năm 2000 (Kỳ 3)

Kỳ này, chúng tôi nêu vấn đề xác định cha, mẹ cho con, việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn qua góc nhìn của một người có nhiều năm làm công tác xét xử về hôn nhân gia đình.

Kỳ 3: Xác định cha, mẹ cho con, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn

Điều 63. Quy định:“1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng.
 
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Toà án xác định. Việc xác định cha, mẹ cho con được sinh ra theo phương pháp khoa học do Chính phủ quy định”.
 
Điều 64. Xác định con: “Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Toà án xác định người đó là con mình. Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Toà án xác định người đó không phải là con mình”.
 
Theo quy định tại khoản 1 Điều 63, thì về nguyên tắc trong các trường hợp sau đây phải được coi là con chung của vợ chồng: Con sinh ra trong thời gian quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 3/1/1987 (Con được sinh ra trong thời gian hôn nhân thực tế đang tồn tại hoặc có thai trong thời gian đó); Con sinh ra sau khi đã tổ chức đăng ký kết hôn cho đến trước khi chấm dứt quan hệ hôn nhân theo quyết định của Toà án. Người vợ đã có thai trong thời kỳ hôn nhân (trong thời kỳ từ khi đã tổ chức đăng ký kết hôn cho đến trước khi chấm dứt quan hệ hôn nhân), dù việc sinh con được diễn ra sau khi vợ chồng đã ly hôn;  Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn, hoặc trước ngày tổ chức hôn lễ nhưng được cả vợ và chồng thừa nhận.
 
Theo quy định tại khoản 2 Điều 63 và Điều 64, khi có người yêu cầu Toà án xác định một người nào đó là con của họ hay không phải là con của họ thì phải có chứng cứ. Do đó, về nguyên tắc người có yêu cầu phải cung cấp chứng cứ. Trong trường hợp cần thiết thì phải giám định gen. Người có yêu cầu giám định gen, phải nộp lệ phí giám định gen.
 
Nếu người con sinh ra trong các trường hợp nêu ở điểm 6.1 mục 6 nói trên mà người cha không thừa nhận người đó là con của mình, hoặc người chồng vẫn xác định đứa trẻ đó là con của mình và người vợ không công nhận người chồng là cha của đứa trẻ, nhưng không đưa ra được chứng cứ để chứng minh và không có đương sự nào yêu cầu giám định hoặc có yêu cầu nhưng không chịu nộp lệ phí giám định (dù đã được Thẩm phán giải thích và yêu cầu) thì phải xác định người con đó là con chung vợ chồng.
 
Đối với việc truy nhận cha cho con: Trong trường hợp có tranh chấp về xác định quan hệ cha mẹ và con cái thì thuộc thẩm quyền của Tòa án giải quyết; trong trường hợp không có tranh chấp thì không thuộc thẩm quyền của Tòa án giải quyết.
 
Trong trường hợp khi vợ chồng ly hôn đã được một bản án, quyết định xác định người con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ và chồng. Bản án, quyết định đó đã có hiệu lực pháp luật, sau đó một bên vợ hoặc chồng đi giám định gen, kết quả giám định kết luận người con đó không phải là con chung của vợ chồng (nói cách khác người mà bản án, quyết định của Tòa án xác định là cha của đứa trẻ thì kết quả giám định gen có kết luận ngược lại). Trường hợp này, nếu người cha có đơn khởi kiện tại Tòa án yêu cầu xác định họ không phải là cha đứa trẻ thì Tòa án không được thụ lý, giải quyết như có Tòa án đã làm, mà Tòa án cần hướng dẫn cho đương sự gửi đơn yêu cầu kháng nghị tái thẩm bản án, quyết định đang có hiệu lực đó; đồng thời, Tòa án làm văn bản báo cáo và đề nghị Tòa án cấp trên kháng nghị tái thẩm.
 
Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn.
 
Điều 92. Quy định việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn: “1. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. 2. Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
 
Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác”.
 
Từ quy định tại Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có thể nhận thấy:
 
Căn cứ của việc giải quyết quan hệ con cái trong các vụ án ly hôn hoặc không công nhận họ là vợ chồng hay huỷ hôn nhân trái pháp luật đều giống nhau.
 
Về áp dụng pháp luật Toà án cũng áp dụng các Điều 19, 44, 45 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, nay là Điều 34, 92 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để xét xử.
 
Trên thực tế tỷ lệ các bản án có sai sót về việc giao nuôi con không cao. Tuy nhiên, giải quyết việc đóng góp phí tổn nuôi con còn có những sai sót như không đề cập đến vấn đề cấp dưỡng, không xem xét việc từ chối không nhận cấp dưỡng con có hợp lý không, quy định mức cấp dưỡng quá thấp (phổ biến) hoặc quá cao không phù hợp với khả năng người cấp dưỡng...
 
Cần lưu ý là giải quyết việc cấp dưỡng con trong các vụ án không công nhận quan hệ vợ chồng hay huỷ hôn nhân trái pháp luật cũng phải xuất phát từ nghĩa vụ nuôi nấng giáo dục con cái, từ lợi ích của đứa trẻ, căn cứ vào hoàn cảnh và khả năng kinh tế của mỗi bên v.v... để giải quyết mức cấp dưỡng.
 
Theo quy định tại khoản 1 Điều 92 thì người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Đây là nghĩa vụ của cha mẹ; do đó, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, trừ trường hợp họ không có khả năng kinh tế, thì có thể được tạm miễn việc cấp dưỡng nuôi con.
 
Việc cấp dưỡng con là vì lợi ích của đứa trẻ, chứ không phải vì lợi ích của phía người nuôi dưỡng hay người phải cấp dưỡng. Vì vậy, nếu người nuôi dưỡng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng vì tự ái, sĩ diện mà từ chối việc nhận cấp dưỡng nuôi con thì cần phải giải thích cho họ, và không chấp nhận việc từ chối này. Toà án chỉ chấp nhận việc không nhận tiền cấp dưỡng con khi người nuôi dưỡng kinh tế khá, hoàn toàn bảo đảm việc nuôi dưỡng, hoặc bên phải cấp dưỡng quá khó khăn, túng thiếu, nên bên nuôi con không yêu cầu bên kia cấp dưỡng.
 
Về mức cấp dưỡng, một số trường hợp Toà án chưa thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ về khả năng kinh tế của mỗi bên, nên đã quyết định mức cấp dưỡng chưa sát, chưa hợp lý. Để việc xét xử đúng, Toà án phải xác minh kỹ hoàn cảnh kinh tế mỗi bên, nhu cầu tối thiểu cho một đứa trẻ ở địa phương, từ đó mới quyết định mức cấp dưỡng, hình thức cấp dưỡng có căn cứ.
 
Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý.
 
Về phương thức cấp dưỡng do các bên thoả thuận định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được, Toà án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.
 
Trong trường hợp vợ, chồng không thoả thuận được về người trực tiếp nuôi con thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi con, căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần. Nếu con từ đủ chín tuổi trở lên, thì trước khi quyết định Toà án phải hỏi ý kiến của người con đó về nguyện vọng được sống trực tiếp với ai.
 
Về nguyên tắc, con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác.