Menu

Tin tức

Giải quyết yêu cầu ly hôn và xử lý vấn đề con cái theo Luật HNGĐ 2000 (Kỳ 4)

Về căn cứ ly hôn quy định còn quá chung chung và trừu tượng dẫn đến hiểu và áp dụng lại phụ thuộc nhiều vào nhận thức, đánh giá của Thẩm phán.

Do đó, nếu có thể, nên cụ thể hóa Điều 89 cho dễ vận dụng hơn, như quy định rõ thế nào được coi là “Tình trạng trầm trọng…”, “Mục đích hôn nhân không đạt được”, với các tiêu chí cụ thể.

Kỳ 4: Một vài kiến nghị qua thực tiễn áp dụng pháp luật

Tuy nhiên, tác giả cũng nhận thấy bản thân quan hệ vợ chồng là lĩnh vực tình cảm, rất trừu tượng, huyền ảo cho nên khi cụ thể hóa căn cứ cho ly hôn cũng cần tránh liệt kê theo lỗi, theo hiện tượng. Vì quy định như vậy sẽ dẫn đến khuynh hướng lệch lạc khác còn nguy hại hơn trong xét xử là dễ áp dụng cứng nhắc, máy móc, không xem xét đến tình trạng của hôn nhân.
 
Việc Tòa án xử cho ly hôn xét về bản chất thì đó chỉ là việc “xác nhận một sự vật đã chết”, chấm dứt một sự việc vốn chỉ còn tồn tại về hình thức. Do đó, các quy định của luật nếu đưa ra được các tiêu chí, các biểu hiện cụ thể, các căn cứ cụ thể phản ánh đúng tình trạng của quan hệ hôn nhân đó, sẽ thuận lợi cho các Thẩm phán khi xét xử các vụ án ly hôn. Trong trường hợp không đưa ra được các tiêu chí giúp đánh giá đúng bản chất, tình trạng hiện tại của quan hệ hôn nhân thì nên quy định như cũ. Vì quy định này đã tồn tại trên 50 năm và với hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao cũng đã gợi mở nhiều cho các Thẩm phán trong nhận thức, đánh giá về thực trạng quan hệ hôn nhân đó. Thực tiễn xét xử trong nhiều năm vừa qua, tỷ lệ sai sót do giải quyết không đúng quan hệ này không nhiều.
 
Việc quy định hòa giải trong thuận tình ly hôn (Điều 90) tuy cũng có mặt tốt là hạn chế được các trường hợp vợ chồng còn tình cảm, nhưng chỉ vì tự ái, sĩ diện… mà thuận tình ly hôn. Trong thực tế đã có rất nhiều vụ nhờ hòa giải mà cứu vãn được sự đổ vỡ, vợ chồng trở về đoàn tụ, duy trì được hạnh phúc trong gia đình, giúp con cái có chỗ dựa và được chăm sóc tốt hơn so với trường hợp khác. Tuy nhiên, quy định việc hòa giải là một thủ tục bắt buộc thì có phần can thiệp quá nhiều, hay nói cách khác là ít nhiều cản trở, can thiệp quá sâu vào quyền tự do định đoạt, tự nguyện thỏa thuận của hai bên. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh cho hợp lý theo hướng không coi đó là thủ tục bắt buộc, nhưng khuyến khích hòa giải khi thấy cần thiết.
 
Nên quy định trường hợp Tòa án xử bác đơn ly hôn thì thời gian bao lâu có quyền xin ly hôn lại. Vì đây là quyền của mỗi bên, nếu luật không quy định dễ dẫn đến tùy tiện, mỗi nơi một khác. Thực tế Tòa án nhân dân tối cao đã phải hướng dẫn.
 
Vấn đề kết hôn, ly hôn có yếu tố nước ngoài: Sau một thời gian hội nhập quốc tế, vấn đề kết hôn và ly hôn với người nước ngoài phát triển mạnh, được dư luận đặc biệt quan tâm. Bên cạnh những mặt tích cực, việc kết hôn với người nước ngoài cũng xuất hiện nhiều vấn đề tiêu cực, như hình thức là kết hôn, nhưng bản chất là mua bán phụ nữ, kết hôn vì mục đích kinh tế… Do đó, phần lớn người tham gia kết hôn thiếu những trang bị cần thiết về ngôn ngữ, vốn văn hóa, phong tục, tập quán của nước mà họ sẽ phải sinh sống, dẫn đến những bi kịch đáng tiếc.
 
Các quy định tại Chương 11 “Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài” thiếu cụ thể ở nhiều góc độ như về điều kiện kết hôn với người nước ngoài, căn cứ cho ly hôn… Đặc biệt là những khó khăn trong ủy thác tư pháp làm trở ngại cho việc ly hôn giữa công dân Việt Nam đang ở Việt Nam với người (vợ hoặc chồng) nước ngoài đã bỏ về nước; công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài và chung sống ở nước ngoài sau đó bỏ về nước và xin ly hôn; người Việt Nam đi lao động ở lại nước ngoài không cung cấp địa chỉ cho người vợ hoặc người chồng trong nước v.v…
 
Căn cứ cho ly hôn đối với các trường hợp này, ngoài các căn cứ chung như các trường hợp khác thì phải thể hiện được tính đặc thù của quan hệ hôn nhân này, ví dụ nếu người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam, sau đó bỏ về nước mà không thông báo, không liên hệ với người vợ hoặc người chồng ở Việt Nam thì phải coi người nước ngoài cố tình dấu địa chỉ và coi việc bỏ đi trong trường hợp này là một căn cứ cho ly hôn.
 
Việc kết hôn, nuôi con nuôi, quan hệ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng cũng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam nên được quy định trong luật, không nên để Chính phủ quy định như Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
 
Vấn đề mang thai hộ: Đây là vấn đề báo chí đề cập nhiều trong những năm qua và cũng là nội dung Ban soạn thảo dự kiến đưa vào Luật Hôn nhân và gia đình khi tiến hành sửa đổi, bổ sung. Tác giả thấy có ba vấn đề cần quy định:
 
Một là: Vấn đề mang thai hộ không chỉ là vấn đề pháp lý đơn thuần mà còn là vấn đề đạo đức, liên quan đến phong tục, tập quán, có tính xã hội sâu sắc. Trong điều kiện kinh tế, xã hội, phong tục, tập quán, tâm lý chung hiện nay, tác giả cho rằng cần quy định cấm mang thai hộ có tính chất thương mại. Sở dĩ cần phải quy định cấm là vì: Việt Nam đang cần hạn chế sinh đẻ, nếu cho phép mang thai hộ sẽ là một kẽ hở để ai đó muốn có thêm con “nối dõi tông đường” khai thác. Nếu cho phép mang thai hộ sẽ dẫn đến hoạt động mua bán, đổi trác, kinh doanh… mà hậu quả rất khó lường. Phong tục, tập quán, tâm lý xã hội hiện nay cũng chưa sẵn sàng chấp nhận cho việc mang thai hộ. 
 
Hai là: mang thai hộ vì lý do nhân đạo. Có những người muốn có con nhưng sức khỏe không cho phép, ví dụ mắc bệnh tim nặng, còn các vấn đề khác vẫn bình thường, hoặc những người mắc “bệnh vô sinh” dù sức khỏe tốt. Nhu cầu muốn có con của họ là chính đáng, xã hội cần ủng hộ.
 
Để tránh lợi dụng cần quy định chặt chẽ với các điều kiện cụ thể giữa người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ.
 
Ba là: Dù có cấm đoán nhưng trên thực tế sẽ có những người vì các động cơ khác nhau, bất chấp pháp luật vẫn thuê người mang thai hộ và những trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Vì vậy, dưới góc độ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình cần có những quy định giải quyết hậu quả của vấn đề mang thai hộ, như: Xác định đứa trẻ là con của ai (người mang thai hay người cung cấp trứng, tinh trùng)? Ai có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng? Giao đứa trẻ cho ai khi có tranh chấp giữa người mang thai và người thuê mang thai, hoặc mang thai hộ vì lý do nhân đạo; hình thức pháp lý của việc mang thai hộ.
 
Cần quy định ai phải chịu trách nhiệm về những rủi ro đối với người mang thai hộ, số tiền thuê mang thai vì mục đích thương mại được xử lý như thế nào? v.v…
 
Tất cả những vấn đề đó phải được quy định rõ ràng, hợp lý vừa có tác dụng ngăn chặn, hạn chế các tiêu cực, vừa là căn cứ khi các cơ quan chức năng, trong đó có Tòa án xem xét, giải quyết.
 
Vấn đề mang thai hộ, tùy theo tính chất mà có thể được quy định ở các luật khác nhau.
 
Việc xác định ai là cha, mẹ đứa trẻ? Ai có nghĩa vụ nuôi dưỡng đứa trẻ sơ sinh này? v.v.. sẽ được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình. Các vấn đề liên quan đến hợp đồng thuê mang thai, những rủi ro đối với người mang thai hộ, xử lý số tiền thuê mang thai v.v.. thì sẽ phải quy định trong Bộ luật Dân sự.
 
Đối với các vấn đề có tính chất xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự quản lý xã hội… thì phải quy định trong Bộ luật Hình sự.